Lượt xem: 1888

Tìm hiểu về địa danh xưa Sầng Ke - Giang Cơ

Trong kho tàng địa danh của tỉnh nhà Sóc Trăng thì địa danh Sầng Ke - Giang Cơ (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) là một trong những tên gọi có nhiều thay đổi theo dòng biến thiên của lịch sử.

    Sầng ke là tên gọi đầu tiên được xuất hiện trong tập tài liệu Monographie de la Province Soc Trang 1904 (Địa chí Sóc Trăng 1904) với lời giải thích: “Một loại cây hoang dại, lá để dùng làm thuốc hút, được người bản xứ dùng làm thuốc trị sổ mũi”. Nhưng trong thực tế: Sầng Ke theo ngôn ngữ Khmer là cây trâm bầu, một loại cây quen thuộc của người dân Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Theo người dân địa phương cho biết: Ngày trước tại vùng đất này cây trâm bầu phát triển khá mạnh và có mặt hầu hết các nơi: Từ cặp 2 bên đường, trong các khu vườn, kênh mương lớn nhỏ, thậm chí chúng len lõi mọc um tùm ở các thềm đìa trên những cánh đồng rộng ngút ngàn. Là loại cây thân gỗ mềm, thịt sớ nhưng lại chịu được “nắng dãi, mưa dầm” nên bà con trong quê thường đốn cây trâm bầu bỏ xuống mương ngâm nước vài tháng lấy lên làm cột nhà khá tốt. Chính vì vậy mà những cột đáy, bờ kè chống sạt lỡ ở mé sông, bờ đập... đều có sự “hiện diện” của cây trâm bầu hoang dại.


Chùa Sầng Ke - ảnh Thiên Lý

    Từ cách gọi Sầng Ke của bà con Khmer địa phương đến cách đọc trại, nói nhanh của bà con người Kinh, Hoa đã biến dần thành Văn Cơ - Giang Cơ trong một thời gian khá dài. Ngày đó, con rạch Sầng Ke là ranh giới của 2 làng: Sầng Ke và Ôi Lôi. Ở làng Sầng Ke tập trung khá đông hộ dân khá giả mà đa số là gia đình điền chủ, phú nông, trí thức, quan lại địa phương, còn làng Ôi Lôi phần lớn là dân tá điền nghèo khổ, những người làm thuê, lao động tự do sống đắp đổi qua ngày. Do khác biệt về cuộc sống bởi một bên là “chủ cả”, một bên là tá điền “tôi tớ” nên họ ít khi qua lại với nhau, dù cách nhau chỉ một con kênh nhỏ.

    Vào những năm cuối thế kỷ XIX, hai làng Sầng Ke - Ôi Lôi được sát nhập lại lấy tên là Trường Kế thuộc tổng Định Khánh (là Kế Sách ngày nay). Như vậy, những cái tên dân dã Sầng Kê - Ôi Lôi xưa kia giờ đã được chính thức có tên Trường Kế trong văn bản hành chính với thời gian khá dài. Sau khi chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc, làng Trường Kế lại sát nhập với một phần của làng Châu Khánh, lấy tên mới là Trường Khánh thuộc quận Châu Thành. Cần nói thêm là quận Châu Thành có 11 xã, gồm: Khánh Hưng, Nhâm Lăng, Chung Đôn, Trường Khánh, An Ninh, Phước Tâm, Phú Mỹ, Hòa Thuận, Hòa Tâm, Tài Sum, Thạnh Phú. Đến năm 1972, xã Trường Khánh (gồm các ấp Trường Thành, Trường Bình, Trương Hưng, Trường an, Trường Phú) được giao về huyện Long Phú cho đến ngày nay. Xã Trường Khánh có diện tích 3.037,93 héc ta, dân số có 15.217 người, có 7 ấp: Trường Thành A, Trường Thành B, Trường An, Trường Hưng, Trường Thọ, Trường Lộc, Trường Bình.

    Là vùng đất cộng cư lâu đời của 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer, vùng đất Sầng Ke - Giang Cơ xưa kia cũng là nơi phát tích nhiều món ngon nức tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Trong đó phải kể đến món “Thèo lèo cứt chuột” trứ danh Giang Cơ - Trường Khánh ngày nào. Mặc dù từ cái tên gọi có vẻ dơ dơ (cứt chuột) nhưng lại là món không thể thiếu trong các dịp “quan - hôn - tang - tế” , vừa chưng cúng bàn thờ gia tiên, vừa để nhấp nháp bên ly trà Thiết Quan Âm thơm nức mũi - là một trong thú ẩm thực của người xưa. Trong quyển “ Hậu Giang - Ba thắc” của học giả Vương Hồng Sển có so sánh: “Nếu vùng Xài Cả Nả - Trà Tim là đất học thì vùng Sầng Ke - Trường Kế là chỗ ăn chơi, phong lưu tài tử, cũng lắm nhân tài. Dân làng Văn Cơ cũng giỏi chữ, cao cờ, thơ hay, đàn giỏi...”.

    Nói đến Sầng Ke - Trâm Bầu, với những người trong quê xưa kia ai ai cũng đều biết: Cây trâm bầu mà hạ xuồng rồi để phơi mưa, phơi nắng vài tháng rồi đem chẻ cũi thì “trần ai khoai củ”. Đó chính là nỗi “đau khổ thầm kín” của chàng trai qua ở rể 3 năm được gia đình nhạc gia giao cho vài thước cũi trâm bầu để thử thách về sức khỏe và lòng kiên nhẫn của chàng rể tương lai. Có lẽ, chính vì thế nên trong kho tàng ca dao vùng này còn truyền tụng:

                          Không kham bửa củi chưng bầu

                          (Anh) trốn về quê cũ (để) em sầu triền miên.

    Ngày nay, trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, con đường độc đạo nức danh một thời Vàm Tấn - Giang Cơ - Sóc Trăng đã được mở rộng và tráng nhựa phẳng phiu, những hàng trâm bầu xưa kia giờ đã không còn hiên ngang, sừng sững như thuở nào. Những “con đường quê” và bộ mặt làng quê đã thật sự thay da, đổi thịt do sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Thiên Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 7321
  • Trong tuần: 78,028
  • Tất cả: 11,801,348